cds2

Blue Grey Red
Chào mừng đến với website Trường THPT Lê Hồng Phong - tỉnh Quảng Nam!

Kỷ niệm về một người Thầy.

                Đời nhà giáo như đời sông, ôm tất thảy vào lòng những cát sỏi cỗi cằn lẫn phù sa màu mỡ. Để rồi khi xuôi về biển lớn, lắng lại trong giọt nước cuối cùng là vị mặn mòi của biển không bao giờ tan! Thưa thầy! Em đã nghĩ về thầy như nghĩ về vị- mặn- của- biển không bao giờ nhạt! Kính chúc thầy những năm tháng thênh thang, thanh thản!

 

                               hoa 3

                     

                       Làm Nhà giáo, người đời thường ví như "Người lái đò đưa khách sang sông", Không phải tất cả như vậy. Nếu chúng ta trồng cây khế ngọt, chắc chắn sau này ta sẽ hái quả ngọt. Tản mạn trên mạng, tình cờ gặp bài viết "Kỷ niệm về một người Thầy" trong thư viện bài dự thi 85 năm thành lập Công đoàn Việt Nam. Tác giả và nhân vật trong bài là những người Thầy của tôi, tôi xin mạn phép đăng lên cho các Nhà giáo đọc, suy gẫm " Nghề giáo vẫn là nghề cao quí" dù ở bất cứ hoàn cảnh nào. Theo yêu cầu của tác giả, nhân vật trong bài, tất cả xin được ẫn tên.

                         

                      Sáng thứ hai, đầu xuân Giáp Ngọ, sân trường rộn ràng áo trắng. Tiếng nhạc hòa cùng tiếng bước chân học trò rộn rịp làm thành không khí náo động của buổi học đầu tuần, đầu năm mới. Sắc xuân giăng trên từng màu nắng, chiếu xuống dãy bàng, phượng vĩ thứ ánh sáng lóng lánh, chấp chới…Những gương mặt thân quen sau những ngày nghỉ ngơi, thưởng xuân đã đến lúc trở lại với công việc. Từ thầy đến trò đều mang tâm trạng vừa háo hức vừa luyến tiếc…Tôi đến trường trong buổi sáng đầu năm với tinh thần thật sảng khoái, khỏe khoắn.( Kể từ khi lập gia đình và liên tiếp” làm bạn” với hai nhóc tì, hình như đây là lần đầu tiên tôi mang cảm giác này. Vì bây giờ “hai bạn” ấy đã “nhớn” hơn một chút, Tết bớt vất vả hơn nhiều).Tôi thấy nôn nao vì nhớ lớp, nhớ bục giảng…

                 Đang miên man ngắm nhìn quang cảnh, tôi chợt nghe một giọng nói quen thuộc nhưng dường đã lâu không gặp. Tôi ngoái đầu… “ Ôi! Em chào thầy!” Tôi đưa cả hai tay nắm lấy bàn tay thầy- thấy giáo X... “ Dạ , lâu quá không gặp thầy…Em tệ quá, chẳng đến thăm thầy…”

              Tôi thú thật mà lòng rưng rưng. “Thầy dạy thỉnh giảng cho vui”-thầy tiếp lời. “ Dạ, thầy vẫn khỏe ạ?” “ Cảm ơn em, thầy vẫn khỏe, muốn lên trường để gặp học trò, đồng nghiệp.

             Ở nhà lẩn quẩn cũng buồn em à…”, giọng thầy hơi chùng xuống. Nghe những lời của thầy, tôi thấy như đang soi vào tấm gương vị lai của mình. Đó là tương lai của tôi, của những thế hệ nhà giáo kế tiếp. Ai rồi cũng sẽ đến ngày nghỉ ngơi, từ biệt bục giảng để trở về với yên tĩnh đời thường. Rồi cũng sẽ thèm được gặp gỡ, được sống lại không khí như hôm nay…Chợt lướt nhìn 15 năm đã qua của đời- giáo-tôi, lòng tự nhắc lòng: Hãy làm việc, hãy thiết tha, hãy khao khát…nhiều hơn nữa, để đến lúc thật sự nghỉ ngơi không phải nuối tiếc. …

 

 

Lan 2

                                       ( Nguồn ảnh: Thư viện ảnh của trường THPT Lê Hồng Phong.)

       

                 Ngày 1.11.1998, tôi cầm quyết định về trường cũ, trường THPT ... Không bao lâu sau đó, tôi được nhận một tờ Đơn xin kết nạp vào Công đoàn trường từ thầy giáo X, chủ tịch Công đoàn trường. Lúc đó, tôi nghĩ đây chỉ là một thứ giấy tờ thủ tục hành chính, chỉ cần điền đầy đủ các mục là được,tôi không có ý niệm gì về hai chữ ‘Công đoàn”. Những bài giảng đầu tiên đã lấy đi tất cả thời gian và tâm trí của tôi. Tôi chăm chút từng bài giảng như người thợ điêu khắc chăm chút từng mũi dao vào thớ gỗ, tỉa tót công phu từng chi tiết nhỏ…Mỗi buổi lên lớp của tôi như một lần đứng trên sàn diễn của ca sĩ mới vào nghề: vừa bỡ ngỡ vừa chững chạc, vừa lo lắng vừa tự tin. Lửa nghề luôn cháy bỏng trong tim! Tôi còn phải tập làm việc theo kế hoạch chung của nhà trường, không phải chỉ mỗi việc dạy như tôi tưởng: họp Hội đồng, họp Tổ chuyên môn, họp Chi đoàn giáo viên, họp Tổ nữ công; tham gia BCH Đoàn trường, học chính trị, tham gia thể thao, tham quan…Tôi đã trở thành Đoàn viên Công đoàn như thế đó! Và thời gian sẽ trôi qua bình lặng nếu không có những kỉ niệm. Kỉ niệm của một thành viên Công đoàn những ngày đầu của tôi luôn gắn với hình ảnh của thầy giáo X, chủ tịch Công đoàn trường. …

              Sau hai năm đạp xe 3 cây số đến trường dạy học, tôi giàu có thêm những câu chuyện học trò trên quãng đường từ nhà đến trường , rồi từ trường về nhà cùng những cô cậu ấy. Nhưng quãng đường tuy không quá xa mà cũng đủ lấy đi của tôi không ít mồ hôi, sức lực. Một buổi chiều, sau tiết dạy thứ hai, tôi phát sốt, mặt đỏ bừng, đầu nhức như búa bổ. Tôi mệt đến mức không đứng nổi trên bục giảng, phải về nghỉ ngơi tại phòng Hội đồng. Tôi nằm rạp lên bàn chờ hết tiết dạy để xin phép lãnh đạo nghỉ dạy. Mấy đồng nghiệp đến săn sóc, hỏi han. Cuối buổi học, tôi gửi xe đạp nhờ học trò đạp thay và một đồng nghiệp chở tôi về nhà. Kết quả là tôi bị sốt xuất huyết, không đủ sức đi bệnh viện, gia đình mời y tá đến săn sóc tại nhà cho tôi. Tôi đã nghỉ dạy đến ngày thứ tư. Lần đầu tiên buộc phải nghỉ dạy, tôi điều trị bệnh mà lòng không yên…Một chiều, đứa em nhỏ chạy ùa vào báo tin :“ Em thấy có đông người hỏi nhà cô T., chị à!...” Kịp lên đến nhà trên ,tôi đã nhận ra những thầy cô trong Tổ Văn-Sử của mình: thầy T, cô H, cô T ,cô S, cô T. V, cô Th. và đặc biệt có cả thầy giáo X. Tôi lóng ngóng vì bất ngờ ,vì còn mệt và mừng rỡ, cảm động đón các thầy cô. Mọi người vui vẻ thăm hỏi, động viên, chúc giữ gìn sức khỏe, lòng tôi thấy ấm áp vô cùng. Đến giữa cuộc, thầy X đặt lên một chai nước Ngọt lớn, cười nói: “ Thầy có quà cho em đây! Chúc em sớm bình phục để sớm đến lớp!...”Tôi lại bất ngờ và chỉ kịp cảm ơn thầy.

              Tôi thấy mình hạnh phúc, thấy mình được quan tâm như đứa con trong một gia đình. Đó là lần đầu tiên tôi cảm nhận rõ rệt nhất tình đồng nghiệp, tình đoàn viên Công đoàn. Và cô giáo trẻ như tôi lần đầu có ý niệm về hai chữ “Công đoàn”, không phải bằng những câu chữ trống rỗng mà bằng cảm nhận của cảm xúc đích thực, bằng kỉ niệm không bao giờ quên. Thời gian trôi qua, tôi dần định hình được chân dung của một Chủ tịch công đoàn. Đó là người luôn sâu sát, quan tâm đến đoàn viên. Người ấy luôn có tâm huyết truyền lửa cho mọi người, là chất keo gắn kết mọi khoảng trống để một tập thể thật sự đoàn kết, vững mạnh. Đặc biệt,đó còn là người luôn nắm bắt được tâm tư, tình cảm của đa số đoàn viên để kịp thời điều chỉnh hoạt động, phản ánh kịp thời nguyện vọng đoàn viên lên các cấp lãnh đạo, đảm bảo tối đa quyền lợi và nghĩa vụ của đoàn viên.

                 Tôi còn nhớ mùa mưa năm 2000… Mùa mưa đến sớm và mưa dữ dội từ tháng chín. Đến giữa tháng mười, nhà trường đã nhiều lần buộc phải nghỉ dạy vì nước dâng cao, công việc đình trệ…Và lễ kỉ niệm ngày 20.10 năm ấy phải tổ chức ban đêm, tại phòng Hội đồng. Nhà cách trường hơn 3 cây số, không có ai đi cùng, lại đi xe đạp…tôi quyết định không tham dự buổi lễ đặc biệt dành cho các cô. Sáng hôm sau, lúc đến trường tôi được biết còn có hai cô giáo trẻ cũng vắng mặt như tôi. Và đúng giữa buổi học, trong giờ giải lao 15 phút, tôi được thầy X. mời xuống văn phòng chủ tịch Công đoàn. Thầy từ tốn hỏi lí do tôi vắng mặt. Tôi thành thật trình bày hoàn cảnh, thầy lắng nghe rồi nói:“ Nếu em đến trường, thầy sẽ phân công người đưa em về tận nhà. Vì điều kiện khách quan chứ thầy không muốn sắp xếp bối cảnh như vậy. Lần sau nếu có khó khăn gì cứ mạnh dạn trình bày với thầy!” Tôi xin lỗi thầy vì vắng mặt không báo cáo lí do.

                   Kể từ đó, các cuộc họp đoàn thể không bao giờ tổ chức vào ban đêm. Tự trong lòng tôi nhận ra sự lắng nghe, đồng cảm sâu xa của thầy chủ tich Công đoàn. Tôi thật sự thấy kính trọng tấm lòng ấy! Vậy mà có lần tôi đã phụ tấm lòng của thầy. Đó là kỉ niệm maĩ đến bây giờ vẫn còn làm tôi áy náy. ….

                     Trước khi rời giảng đường Đại học, tôi đã được chọn tham gia lớp Cảm tình Đảng do Đoàn trường Đại học sư phạm Huế đề cử. Với những đóng góp trong bốn năm sinh viên, tôi thấy hãnh diện khi là đại diện duy nhất của lớp tham dự lớp học ấy. Trở về trường, tôi mang nhiệt huyết tuổi trẻ vào từng bài giảng, vào từng công việc được giao khi tham gia Ban chấp hành Đoàn trường…Một ngày, thầy X gặp tôi trao một bộ Hồ sơ lí lịch và dặn “ Em về hoàn thành bộ hồ sơ này rồi nộp lại cho thầy nhé!...” Tôi nhận và biết đó là Hồ sơ giới thiệu đoàn viên kết nạp Đảng. Tôi hào hứng và lòng thấy phấn chấn vô cùng. Tôi nhanh chóng hoàn thành hồ sơ với niềm kì vọng đong đầy trong ánh mắt của ba. Ba tôi đùa : “ Nhà mình sắp có Đảng viên rồi đó!...” Nhưng rồi câu chuyện “ vào Đảng” của tôi đã không kết thúc tốt đẹp.

                      Tuổi hai mươi nhiều hoài bão nhưng cũng lắm mộng mơ. Tuổi hai mươi cần sự nghiệp và cần có cả tình yêu. Tình yêu luôn gắn liền với những dự định tương lai thiết thực nhất. Tôi cũng thế. Câu chuyện hạnh phúc tương lai của tôi lúc đó có liên quan đến lí lịch Đảng viên ( trong tương lai) và tôi quyết định chọn tình yêu.Tôi hỏi ý kiến một đồng nghiệp đàn anh thân thiết, câu trả lời tương đồng với tôi và tôi đã thanh thản với lựa chọn ấy. Tôi không hề nghĩ nhiều đến cảm giác bị khước từ của thầy, không lường hết quyết định của tôi sẽ ảnh hưởng đến uy tín của thầy như thế nào. Và hơn cả là niềm tin của thầy dành cho tôi đã bị hẫng hụt , niềm kì vọng giờ thành thất vọng…

                            Tôi chỉ thấy mình có lí do chính đáng, thấy mình đến gần hơn với hạnh phúc mà mình nâng niu. Tôi không giãi bày với thầy . Tôi chỉ gặp thầy và nói rằng: “ Thầy ơi, em không nộp hồ sơ cho thầy…

                              ” Cuối cùng câu chuyện tình yêu của tôi không như mong muốn. Mọi cái kết đều có lí do của nó, vì vậy tôi không nuối tiếc nhiều. Có điều, tôi thấy lòng ray rứt mỗi khi nhìn lại quãng đời ấy, vì biết mình đã phụ mất tấm lòng của thầy. Đến lúc tôi nhận ra được nỗi mất mát ở thầy thì dường như cơ hội không dành cho tôi nữa. Cuộc sống gia đình nhỏ lại buộc tôi phải chọn thiên chức của người vợ, người mẹ…Bầu trời khát vọng của tôi giờ nằm ở giấc ngủ ngon lành của con đong đầy mỗi đêm, ở vành nôi bé bỏng mà mênh mông những câu ầu ơ…

                    Và thầy vẫn lặng thầm làm tròn vai trò của một chủ tịch Công đoàn. Nhiệm kì năm 2004 thầy xin được trao lại vai trò ấy cho đồng nghiệp sau mười mấy năm đứng mũi chịu sào. Năm 2009, thầy có quyết định nhận công tác mới tại một trường THPT với chức vụ Hiệu trưởng. Năm 2013, thầy nghỉ hưu .

 

Ảnh 7

Nguồn ảnh: Thư viện ảnh THPT Lê Hồng Phong                  

  Bây giờ thầy trở lại trường với giáo án, với phấn trắng bảng đen giản dị như bao nhiêu đồng nghiệp khác. Trở lại để giữ trọn nghĩa thủy chung với nghiệp cầm phấn, để nhìn thấy ước mơ tuổi trẻ giờ hóa thành nụ cười trong veo trong mắt học trò mỗi ngày.

                      Đời nhà giáo như đời sông, ôm tất thảy vào lòng những cát sỏi cỗi cằn lẫn phù sa màu mỡ. Để rồi khi xuôi về biển lớn, lắng lại trong giọt nước cuối cùng là vị mặn mòi của biển không bao giờ tan! Thưa thầy! Em đã nghĩ về thầy như nghĩ về vị- mặn- của- biển không bao giờ nhạt! Kính chúc thầy những năm tháng thênh thang, thanh thản!

                                                                                                              Duy Xuyên 10.7.2014

                                                                                                                                                           Người viết

                                                                                                                                                                   

                                                                                                                          TTTT.

 
 

                                        Non bộ 1                      

                             (Nguồn ảnh: Thư viện ảnh trường THPT Lê Hồng Phong)

 

 

.

.

truonghocketnoi

Video clip

You need Flash player 6+ and JavaScript enabled to view this video.
Video: Ảnh khai giảng của lớp 12A4


Liên kết website

Ảnh ngẫu nhiên từ thư viên

Tài nguyên điện tử

tailieuchuyenmon tailieuphucvuhoctap dethikiemtra giaoandientu phanmem tainguyenkhac

Thăm dò ý kiến

Giao diện Website này thế này?
 

Thống kê

  • Các thành viên : 2
  • Nội dung : 267
  • Liên kết web : 13
  • Số lần xem bài viết : 918579
Hiện có 12 khách Trực tuyến

BẢN QUYỀN THUỘC VỀ TRƯỜNG THPT LÊ HỒNG PHONG

Địa chỉ: Thôn 3, xã Duy Hòa, huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng nam. Tel: 05103.731.133.