phuchoi

Blue Grey Red
Chào mừng đến với website Trường THPT Lê Hồng Phong - tỉnh Quảng Nam!

Địa danh lịch sử - văn hóa vùng Tây Duy Xuyên

Du khách thập phương trên đường về thăm Di sản Văn hóa Thế giới Mỹ Sơn, hay về dự lễ hội Bà Thu Bồn, có dịp thường ghé vào chợ Mỹ Lược, thăm bia tưởng niệm và thắp hương cầu cho linh hồn những người dân vô tội bị thảm sát trong chiến tranh được siêu thoát, cầu cho cuộc sống của mọi người hôm nay và mai sau mãi mãi yên bình, no ấm.

z3582469119257 9752bd4938cd8ad6d398fbca4c9fdde8

 Bia tưởng niệm Vụ thảm sát Mỹ Lược

Chiến tranh đã lùi xa, nhưng ký ức đau thương về tội ác chiến tranh vẫn không thể nào nguôi. Di tích các vụ thảm sát chợ Mỹ Lược là một trong những địa điểm phơi bày đầy đủ bản chất phi nghĩa và tội ác man rợ mà giặc Mỹ đã gây ra cho nhân dân ta trong chiến tranh xâm lược Việt Nam. Đó như một lời nhắc nhở muôn đời sau hãy cùng nhau gìn giữ hòa bình, đồng tâm, hiệp lực đẩy lùi chiến tranh để những tội ác này không bao giờ tái diễn.

z3582469145009 1718359e9116df92224e23c910af9d20

Từ ngã ba Nam Phước đi theo tỉnh lộ 610 (nay là quốc lộ 14H) về hướng Tây khoảng 18 km đến ngã tư Kiểm Lâm; tiếp tục đi chừng 2 km về hướng Tây theo tuyến đường Kiểm Lâm - Phú Đa dọc bờ Nam sông Thu Bồn sẽ đến chợ Mỹ Lược. Đây là một chợ nhỏ, diện tích chưa đến 1.000 m2, tọa lạc tại thôn Mỹ Lược, xã Duy Hoà, huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam.

Với lợi thế nằm sát bên lề đường và ngay bến đò Mỹ Lược - một trong những bến đò gắn với chợ khá nổi tiếng trên tuyến đường thủy từ Hội An lên Trung Phước, Trà Linh. Từ trước Cách mạng tháng Tám, chợ Mỹ Lược đã hoạt động khá nhộn nhịp, trên bến dưới thuyền tấp nập kẻ bán, người mua. 

Sự nổi tiếng của chợ Mỹ Lược không chỉ bởi quy mô giao lưu hàng hóa, mà bắt nguồn từ những vụ thảm sát đẫm máu do Mỹ gây ra; điển hình nhất là ba vụ thảm sát xảy ra vào những năm 1967, 1969 và 1970. Câu thơ “Chợ Mỹ Lược khăn tang trắng xóa/ Đập Vĩnh Trinh cánh quạ đen ngòm” trong bài thơ Gửi người vợ miền Nam của nhà thơ Nguyễn Bính đã khắc họa đậm nét nỗi đau thương, tang tóc mà giặc Mỹ gây ra cho những người dân hiền hòa, chân chất ở một miền quê yên bình, nơi có ngôi chợ quê mộc mạc, gắn với tên làng Mỹ Lược. 

Trong những năm 1967- 1970, chiến tranh ác liệt diễn ra trên khắp các chiến trường. Vùng Tây Duy Xuyên nằm trong tầm ngắm của chiến lược “Tìm diệt và bình định nông thôn” của Mỹ - ngụy. Với quyết tâm “một tấc không đi, một ly không rời”, Đảng ta chủ trương vận động nhân dân trụ bám, đấu tranh chính trị chống địch càn quét; làm chỗ dựa cho lực lượng vũ trang đánh địch. Việc họp chợ được xác định là một hình thức hợp pháp hóa tập hợp quần chúng để đấu tranh chính trị, giữ mối liên lạc giữa các thôn xóm và tạo điều kiện để cán bộ, du kích cải trang đi lại hoạt động. 

z3583834326190 bbfea31307cdb0cae38a031874c6b041

Chợ Mỹ Lược lúc bấy giờ là trung tâm của các xã giải phóng Tây Duy Xuyên; là đầu mối giao thông quan trọng với vùng B Đại Lộc và lên vùng giáp ranh của căn cứ địa miền núi Tây Quảng Đà. Nhờ việc họp chợ mà bà con nhân dân đã bảo vệ được nhiều cán bộ, du kích không lọt vào tay địch khi chúng càn quét, đồng thời, cũng nhờ họp chợ mà ta đã dựa vào dân phân tán được hàng chục tấn gạo trước lúc quân Mỹ đi càn kéo đến. Địch dội bom biến Mỹ Lược thành vành đai trắng và biến chợ Mỹ Lược thành đống hoang tàn đổ nát: “Chợ ta không phố, không lều/  Đông trên đổ nát, đông theo chiến hào”. 

Nhân dân Mỹ Lược và các vùng lân cận vẫn kiên trì trụ bám, kiên trì họp chợ tạo thế hợp pháp đấu tranh chính trị với địch, phục vụ cách mạng. Những năm tháng ấy, đi đến đâu cũng nghe vọng lên câu ca: “ Ru con con ngủ cho ngoan/ Để mẹ đi chợ với xóm làng thi đua/ Mặc dù chẳng bán chẳng mua/ Đi cho thằng Mỹ phải thua dân mình”.

Bị thất bại nặng nề trong chiến lược tìm diệt, bình định nông thôn, giặc Mỹ điên cuồng đổ quân càn quét, xúc dân vào các khu tập trung. Trong khi đó, dân ta vẫn một lòng thủy chung với cách mạng, kiên trì trụ bám ruộng vườn để làm ăn, tạo chỗ dựa và cung cấp lương thực cho du kích, cán bộ, bộ đội. Còn cán bộ, du kích, bộ đội lúc nào cũng bám sát dân, dựa vào dân để đánh địch. 

Vào ngày 01/4/1967, một đội quân Mỹ thuộc trung đoàn 5 lính thuỷ đánh bộ từ căn cứ An Hoà - Đức Dục mở cuộc càn quét xuống vùng Mỹ Lược. Bị du kích bất ngờ chặn đánh, cả chục tên chết và bị thương. Chúng tức tối châm lửa đốt nhà, dùng chất nổ đánh sập hầm của dân và dồn những người ân vô tội đến góc chợ Mỹ Lược, rồi xả súng bắn chết tại chỗ 14 người, sáu người khác bị thương.

Ngày 27/2/1969, quân Mỹ từ nổng Bà Tình càn quét đến chợ Mỹ Lược. Chúng dùng lựu đạn ném vào hầm làm chết năm người và bị thương mười người.

Ngày 10/1/1970, tên thiếu tá Lê Huy Bửu - Quận trưởng quận Đức Dục chỉ huy một tiểu đoàn lính ngụy, có sự yểm trợ của quân Mỹ càn quét xã Xuyên Phú và cánh Bắc Xuyên Hoà. Du kích hai xã đã tổ chức đánh địch, bẻ gãy cuộc càn quét, tiêu diệt được nhiều tên, trong đó có Lê Huy Bửu, bắt sống một cố vấn Mỹ và một thông dịch. Bị thua đau, trước khi rút lui, đám tàn quân điên cuồng gây ra vụ thảm sát đẫm máu tại chợ Mỹ Lược, làm 14 người dân thường chết tại chỗ và tám người khác bị thương, chủ yếu là người già, phụ nữ và trẻ em. 

Tại địa điểm xảy ra ra các vụ thảm sát, Đảng uỷ, UBND xã Duy Hòa và bà con nhân dân thôn Mỹ Lược đã xây dựng bia tưởng niệm để tưởng nhớ những nạn nhân của các vụ thảm sát và ghi dấu chứng tích tội ác của Mỹ. Bia tưởng niệm là một công trình kiến trúc mang tính lịch sử - tâm linh đặt trên nền bê-tông cao ráo, khang trang ngay sát cạnh phía đông chợ Mỹ Lược. Nội dung bia tưởng niệm ghi: “Nơi đây, vào những ngày 1 tháng 4 năm 1967; ngày 27 tháng 2 năm 1969 và ngày 10 tháng 1 năm 1970, trung đoàn 5 lính thuỷ đánh bộ Mỹ và quân nguỵ đã mở các cuộc càn quét, tàn sát dân vô tội, làm 33 người chết, 16 người bị thương”. Mặt sau bia ghi tên những nạn nhân bị giết hại. Phía trước bia là lư hương để bà con dân làng và khách thập phương dâng hương tưởng niệm vong hồn những người dân vô tội. 

z3582469133343 0729a4d5fadc5d548e71ba2c845b23fa

Vụ thảm sát chợ Mỹ Lược được UBND tỉnh Quảng Nam ban hành Quyết định số 558/QĐ UBND/2007, ngày 08/02/2007, xếp hạng di tích cấp tỉnh. 


Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

truonghocketnoi

Video clip

You need Flash player 6+ and JavaScript enabled to view this video.
Video: Kỉ niệm lớp 12/4 (2009-2010)


Liên kết website

Ảnh ngẫu nhiên từ thư viên

Tài nguyên điện tử

tailieuchuyenmon tailieuphucvuhoctap dethikiemtra giaoandientu phanmem tainguyenkhac

Thăm dò ý kiến

Giao diện Website này thế này?
 

Thống kê

  • Các thành viên : 2
  • Nội dung : 268
  • Liên kết web : 13
  • Số lần xem bài viết : 939714
Hiện có 9 khách Trực tuyến

BẢN QUYỀN THUỘC VỀ TRƯỜNG THPT LÊ HỒNG PHONG

Địa chỉ: Thôn 3, xã Duy Hòa, huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng nam. Tel: 05103.731.133.